|
Contributed by: Admin |
Views: 3.420
Hàm Anh
Bà Chúa Xứ là vị thần dân gian phổ biến ở miền Nam
cũng như Bà Thiên Ý A Na ở miền Trung, Bà Liễu Hạnh ở
miền Bắc. Bà Chúa Xứ vốn đầu tiên xuất hiện ở
Châu Đốc nhưng không chỉ quen thuộc ở đó mà sau này
còn lan rộng ra nhiều nơi miền Nam. Một miễu Bà ở An
Giang không đủ cho nhu cầu tâm linh của dân chúng nên
nhiều miễu đã mọc lên tại các địa phương khác nhau,
người dân không cần đón xe nhiều chặng, không phải bỏ
công việc, đi nguyên ngày nguyên buổi đến tận núi Sam
mà ở Hà Tiên, Vĩnh Long, Saigon... đều có miễu Bà hiện
diện rải rác đây đó thuận tiện cho dân địa phương
dễ dàng đi lại lễ bái.
Chánh vía của Bà Chúa Xứ nhằm ngày hai mươi lăm tháng
tư âm lịch. Thập phương từ các nơi nô nức tràn về
như lũ, đến đúng ngày đó e rằng khách lễ dạt tận
đâu đâu chứ làm sao len vào được tới cổng để thắp
nén nhang bái vọng. Vì thế, trong một câu chuyện huyền
thoại, tượng bà Chúa Xứ đã được di từ đỉnh xuống
chân núi Sam, trải qua nhiều lần trùng tu, nay pho tượng
ngự trị trong một tòa miễu nguy nga gồm mấy dãy nhà
rộng rãi, to tát, lợp ngói lưu lỵ Ngày lễ cũng được
kéo dài từ rằm tháng giêng đến chánh vía, để quãng
thời gian mấy tháng trời như vậy mới thỏa mãn được
số lượng khổng lồ khách hành hương đến chiêm bái.
Từ sau Tết trở đi thời tiết oi nồng, nóng nực, đa
số dân hành hương thành phố thường tổ chức thành
nhóm và xuất hành vào ban đêm cho mát mẻ, tận dụng thời
gian có thể đi chơi thêm đây đó và đỡ chi phí thuê
chỗ trọ ngủ đêm. Mất cả tiếng đồng hồ vòng vèo ghé
qua Tân Bình, Saigon, Chợ Lớn..., chiếc xe minibus ba mươi
chỗ ngồi đón đủ số người thì trời đã xụp tối. Xe
theo cầu Nguyễn Tri Phương, vượt cầu Chánh Hưng, ngang
chợ cá, đi qua khu đô thị mới mở nam Bình Chánh, bắc
Nhà Bè. Bầu trời đen thẫm chỉ hai bên đường đèn như
sao sa soi sáng nhiều nơi vẫn còn vài mảnh ruộng nhỏ sót
lại xen giữa những cây cầu tuyệt đẹp, những tòa nhà
chọc trời và nhà máy, xí nghiệp mới tinh vừa xây dựng.
Hết khu đô thị mới, con đường vòng ra gặp Phú Lâm
rồi cứ theo quốc lộ 1A xuôi chạy. Dọc hai bên đường
vẫn lấp lóa hàng quán nối tiếp nhau và xe cộ ngược
xuôi lao vun vút không hề kém ban ngày. Trong xe đèn tắt
tối om nhưng nhờ ánh sáng từ bên ngoài hắt vào, vài
người dựa đầu vào thành ghế ngủ và số còn lại bắt
đầu dùng bữa tối. Họ gói theo rất nhiều nước uống,
bánh mì, cơm nắm, khoai luộc, xúc xích, giò chả... để
không phải ăn uống bên ngoài, vừa bị chém thẳng cánh vô
tội vạ, vừa không ngon và dĩ nhiên vệ sinh thực phẩm
bao giờ cũng là chuyện bị kêu ca muôn đời của hàng quán
dọc đường. Hầu hết người đi vía Bà nếu không
thường xuyên thì ít nhất một năm đi một lần. Họ trả
lễ năm ngoái hoặc cầu xin điều gì đó cho năm nay. Nếu
không cầu xin hay trả lễ thì hành hương như dự bất cứ
đình miễu nào trong mùa lễ hội kỳ yên này. Trong khoảnh
khắc khấn vái với chút phẩm vật dâng cúng hay thậm
chí chỉ nén nhang lòng thành, người đi lễ đã được
niềm tin tiếp thêm sức mạnh để tâm hồn được bình
yên, để vững vàng với sóng gió cuộc đời không ngưng
nghỉ và nuôi dưỡng hy vọng cho những ngày mai bất an.
Qua khỏi cầu Mỹ Thuận in hình diễm lệ trên bầu trời
nhung đen không trăng sao. Khu vực bắc Vàm Cống sáng
trưng, ồn ã bởi những sinh hoạt luôn tấp nập theo từng
đoàn xe chờ đợi nối đuôi nhau xuống phà. Xe chưa tới
bến, chỉ vừa lăn chậm bánh, đoàn quân bán rong đã ùa
ạt tới cửa xe mời chào. Bắp luộc, sơ ri, nước
suối... và nhiều nhất là những gói trầu cau nhỏ. Không
khí hội hè lan xa đến tận đây, mấy người phụ nữ
cùng xe cầm lên lựa xuống mấy bịch nylon trong có dăm
trái cau nhỏ chút chíu, vài lá trầu phết sẵn vôi và
mảnh giấy trang kim nhỏ óng ánh, hai ngàn đồng một bịch
trầu cau như vậy, chỉ bằng giá tiền gửi chiếc xe gắn
máy thông thường ở thành phố nên ít ai trả giá. Vả có
ngần ngừ thì người bán hàng đã mau chóng kêu lên đồ
cúng có hai ngàn trả giá làm chi, đánh trúng tâm lý nên
chi khách hàng đành im lặng. Mấy người đàn ông chạy
theo để ném qua cửa xe tấm name-card của các lò heo quay.
Giá heo quay trung bình khoảng 30000đồng/kg, một con trung
bình nặng khoảng mười ba ký. Bến phà sôi nổi đủ mọi
hoạt động, bên cạnh các thức ăn uống thường thấy là
chim quay, bánh mì tí xíu bằng hai ngón tay, bịch yaourt lớn
hơn một chút cỡ ba ngón tay, chất đầy tràn các phẩm
vật cúng kiếng: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài xanh to nhỏ,
sung từng chùm... Phụ nữ xà vào chọn lựa, trả giá, cân
thiếu cân đủ... mua bán om xòm quên luôn chiếc xe của
mình tới trước hay tới sau, đợi đâu mặc kệ. Tôi theo
dòng người đi bộ xuôi xuống phà, lần ra đầu mũi
đứng nhìn xuống dòng sông Hậu đen thẫm, gió rất nhẹ
đưa từng lượn sóng lao xao vỗ dạt dào vào mạn phà.
Đêm không trăng chỉ ánh đèn lấp lánh hai bờ sông soi
xuống mặt nước mênh mông. Dòng sông không ngủ, sông
thức cùng bến phà, sông thứ'c thâu đêm suốt ngày cùng
ngôi miễu xa đang đón dòng người từ các nơi từng
chuyến, từng đoàn lũ lượt đổ về.
Quả vậy, khi tôi quay sang người phụ nữ bên cạnh chuyện
chơi mới hay toàn bộ hoạt động náo nhiệt này đều chỉ
dành cho việc hành hương miễu Bà, dành cho lễ hội vía
Bàø. Người phụ nữ ngạc nhiên không kém hỏi chẳng phải
cô đi miễu Bà sao? Chứ đêm hôm khuya khoắt, ngày nào
cũng như ngày nấy, người ta đi đâu làm gì? Tất cả
những chuyến xe qua phà, tất cả dòng người, dòng xe bất
tận qua phà trên lộ trình này đều hướng về miễu.
Tất cả mọi rộn rịp này đều là những sinh hoạt của
miễu Bà tỏa rộng đến đây.
Trên suốt đường đi, xe cộ vẫn giăng ào ào như mắc
cửi. Đến mười một giờ rưỡi đêm bắt đầu vào khu
vực miễu, cả con đường trước miễu rực sáng bởi vô
vàn ngọn đèn và náo nhiệt một cách lạ lùng. Xe chỉ tạm
ngừng dăm ba phút đổ khách xuống rồi phải dời ngay vì
không có chỗ đậu, xe khách đủ loại to nhỏ từ xa xôi
đến cộng với xe ôm, xe lôi địa phương... tất tả
ngược xuôi, đi, đến liên tục. Người lại càng lũ
lượt hơn, người đổ tràn ra xuôi ngược, băng ngang,
tạt chéo trên con đường khá rộng thường ngày bỗng
nhiên trở nên quá hẹp. Lần đầu trong đời tôi mới
biết thế nào là người đi như nước qua đêm. Hai bên
đường hàng quán nhộn nhịp. Quán phở, quán cơm, nhà
trọ, hàng bán trái cây, mũ mão, lễ vật chào mời rối
rít. Những cửa hàng hai bên đường tủ kính sáng choang
chưng bày mũ mãng hia áo đều thêu cườm, chạy kim tuyến,
kết kim sa tỉ mỉ, lộng lẫy. Một đôi hia carton dán nhung
giá khoảng hai trăm ngàn đồng. Mão phượng năm trăm ngàn
và bộ áo từ chín trăm đến một triệu rưỡi thêu
rồng phụng không cách gì lộng lẫy hơn được nữa.
Các
giỏ trái cây xoài, thanh long, táo, lệ.. đủ màu sắc rực
rỡ xếp cao nghệu mặc dù bên trong trống ruột. Quán
cơm, quán trọ người ra vào nườm nượp vì dẫu có thuê
phòng, khó ai nằm yên đánh nổi một giấc ngon lành khi
không khí bên ngoài hừng hực đến vậy. Tràn lan các nơi
hàng là hàng quần áo cũ và hàng ăn. Nuớc thốt nốt ít
vì dân thành phố không thích lắm. Gánh bánh canh, bún
riêu và sữa đậu nành có mặt nhiều nhất. Những hàng
này đông khách không kịp trở tay vì khách hành hương
đến đây thường sau chặng đường rất xa nên nhu cầu
đầu tiên khi xuống xe, chưa phải vào lễ lạt mà là sì
sụp nhét ngay vào bụng một tô gì đó nong nóng cho lại
sức, mặc dù không quan sát cũng dư biết các gánh hàng
rong này thường vô địch mất vệ sinh. Xen kẽ với hàng
ăn, làm cho từng khoảnh đất càng chật chội, nhộn nhịp
hơn là hàng loạt hàng bày dưới đất bán quần short
mười ngàn đồng ba cái và bóp đầm, túi xách to nhỏ
đồng hạng cũng mười ngàn. Giá cả rẻ mạt, túi dùng một
lần vất đi vẫn còn rẻ chán chệ Quá đẹp và chắc
chắn phải dùng hơn một lần nên mọi người xúm vào mê
mải lựa, mua vài cái để ngày mai về Saigon lại vắt óc
nghĩ hoài tìm không ra người tặng lại.
Đến khi bước chân vào sân miễu thì gương mặt ai nấy
tươi tỉnh vì đã ăn uống no nê ngoài cổng và còn lủng
lẳng trên tay vài cái túi hay ví. Dù đang giữa đêm nhưng
khí lạnh và sương khuya bị át bởi số lượng người quá
sức đông đúc. Các ghế đá sát tường và hành lang
ngổn ngang người nằm ngồi lối đi đầy kín người
ngồi, đèn trong điện và các dãy phòng, dãy lầu sáng
rực, đèn giăng mắc trên nóc miếu, dọc theo các mái đao
làm ngôi miễu rực rỡ trong đêm như một viên ngọc quý.
Không khí sôi động, nóng bừng như chiếc lò to đốt
vàng ngay giữa sân luôn phải có người cầm thanh sắt
dài, cời từng xấp vàng áo tiền làm ngọn lửa bùng lên
mạnh mẽ đốt đêm nóng cháy, đốt đêm rực lên, người
rừng rực cuốn hút trong tín ngưỡng ban sơ dâng trào.
Tôi trôi theo dòng người vào võ ca. Ở đó và chính
điện nêm chặt người qua lại chen chúc, len lỏi. Tuy đông
vậy nhưng không hề ồn ào. Khói hương bay mù mịt làm cay
xè cả mắt, tỏa mờ cảnh trí dù trong lòng toà nhà khá
rộng. Các khoảnh trống chung quanh còn sót lại đều
được tận dụng tối đạ Gian bên và phía trong làm nơi
xổ lễ ra để bày biện. Trái cây vô số từ vài trái
cam héo trên chiếc đĩa nhỏ cho tới những khay, những mâm
ngút ngàn chất chồng nho Mỹ, cam Úc... , trầu cau, hương
nến, vài chục vòng hương lớn treo kín võ cạ.. Mấy
người đàn bà nhanh chóng dúi vào tay khách khứa chiếc
bao đỏ nhỏ xíu đựng lộc là hai trăm đồng lẻ. Người
nhận có bổn phận hoàn lễ, dĩ nhiên không phải tương
đương với số lộc tượng trưng mà có giá trị hiển
nhiên cao hơn nhiều lần. Góc xa bên phải là nơi chộn
rộn chặt heo quay. Heo đặt cúng Bà xong đâu có nguyên con
bưng về nhà cách xa đường trường thiên lý được nên
nảy sinh dịch vụ chặt heo. Hầu hết dịch vụ trong phạm vi
miễu đều không có giá mà thường tùy hỉ. Và giá tùy
hỉ thì luôn luôn rộng rãi.
Thời khắc từ từ chuyển dịch qua thời điểm cuối cùng
của một ngày, sang đầu ngày mới, nhưng khu vực miễu
vẫn tấp nập, mải mê đêm cũng như ngày, đêm nối tiếp
ngày không biết đến nghỉ ngơi. Ngoài kia liên tục từng
đoàn xe đổ khách xuống, từng đoàn người chen lấn
tuôn vào khuôn viên miễu, dãy hành lang dưới đất kín
mít những mảnh chiếu và nylong trải đầy khắp nơi nằm
ngồi ngổn ngang. Nhóm hành hương cùng xe với tôi đã
cúng kiếng, trả lễ xong xuôi, kéo nhau lên dãy lầu ngang
lại ăn uống tưng bừng mãi, mọi người vừa quây quần
đợi sáng vừa trò chuyện, những câu chuyện trong khung
cảnh thế này đâu có bao giờ dứt.
Tôi đã ngủ một chút trên xe khi nãy nên đi dạo ra sau
miễu Bà chơi. Khu này là nơi bán mắm. Nền đất ướt
nhép, các hàng mắm chia thành hai dãy nối tiếp nhau đủ
loại từ mắm ruốc, mắm thái, mắm lóc... của đủ các bà
giáo. Bao giờ bà Giáo Thảo cũng chiếm đa số rồi mới
đến các bà Giáo khác. Nghề giáo khi nào cũng là một
nghề cao quý, lương thiện nên mắm bà Giáo nghe chừng có
vẻ ngon lành, chân thật hơn mắm bà giám đốc hay mắm cô
thư ký chẳng hạn. Vẫn các hàng bán quần short và túi
xách mười ngàn đồng. Tôi nấn ná ở gian bánh kẹo một
lúc để nghe người hành khất đàn rất điêu luyện cây
ghi ta phím lõm với một điệu lý quen thuộc. Xuống khỏi
dãy hàng mắm là con đường rộng rãi với các cửa tiệm
bán quần áo cũ qua biên giới. Đồ cũ ở đây rẻ kỳ lạ,
chỉ năm mười ngàn là có thể mua được chiếc chemise hay
áo thung đã được giặt tẩy kỹ và trông còn khá tốt.
Nguồn hàng phong phú này khiến bây giờ ít thấy ai mặc
quần áo rách vá như xưa. Người đi hành hương dĩ nhiên
tràn xuống đây tiếp tục ăn bánh canh, bún riêu, uống
sữa đậu nành và xem đồ cũ. Chỉ xem thôi vì giá quần
áo may sẵn mới tinh ở thành phố rẻ mạt không kém. Tôi
mua mấy con rùa làm quà cho lũ trẻ ở nhà. Chỉ phiền rùa
bằng giấy nên chiếc túi xách đựng đồ cá nhân đành
vất đại lăn lóc, lo bế khư khư trên tay mấy con rùa từ
đó đến chiều hôm sau về nhà.
Con đường này trải dài tới chợ Bờ cuối dường. Đến
ba giờ sáng phải lên xe tiếp tục cuộc hành trình, sợ
không kịp giờ nên tôi thuê một chiếc xe đạp lôi ra chợ
Châu Đốc chơi. Vào dịp cuối tuần dân hành hương từ
thành phố lên nhiều, thông thường kết hợp đi lễ, ngủ
đêm ở miễu, sáng mai dạo chợ biên giới Tịnh Biên và
các đình chùa chung quanh coi như nhân tiện đi chơi cuối
tuần. Vào những ngày đông khách như vậy, nhà lồng chợ
Châu Đốc không mở cửa nhưng khu trái cây và mỹ phẩm
dọn hàng bán thâu đêm suốt sáng. Tôi đi vào ngày
thường nên khu mỹ phẩm không họp, chỉ có trái cây đang
rỡ ra xếp đầy mặt đường đợi bán cho khách du lịch.
Chiếc xe lôi ngừng ở sông An Giang cho tôi ngắm một lúc
dòng sông đang ngủ yên cùng các ghe, sà lan, nhà bè, trạm
xăng... chỉ vọng lên tiếng thì thầm nước vỗ rất khẽ
vào các giề lục bình sát bờ, rồi xe lại chậm rãi băng
ngang qua những con phố kín cửa yên ả tĩnh mịch và vắng
lặng đưới dãy đèn đường vàng vọt, hiu quạnh. Hai muơi
phút để xe thong thả đạp từ chợ về, không trở lại
đậu chỗ cũ là chợ Bờ phía sau nữa mà vòng lên con
đường trước cổng chính của miễu. Rời bỏ không gian
lặng chìm trong giấc ngủ sâu lắng của thị xã xa xôi, tôi
rơi trở lại không khí huyên náo, rộn rã của một khúc
đường tràn ngập hương khói của chùa chiền, đình
miễu, của quán xá, ngựa xe nao nức. Cùng với miễu Bà,
nguyên khu vực chung quanh thuộc xã Vĩnh Tế không ngủ,
đêm thức trắng, đêm háo hức đèn đuốc, đêm say mê
rộn ràng cuộn dài, trải rộng... , như thế, từ tháng
Giêng đến tháng Tư ta suốt mùa lễ hội.
|
|